Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Giải pháp nào ngăn ĐTDĐ “phủ sóng” trường học?



Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, cấm học sinh đưa thông tin không lành mạnh lên mạng.
 
Dự thảo Điều lệ quy định 6 hành vi học sinh không được làm, cụ thể như: Không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; Cấm học sinh không được sử dụng điện thoại di động trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia tệ nạn xã hội. Đặc biệt, không đưa thông tin không lành mạnh lên mạng. Nếu học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức như: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn….
Đã đến lúc không thể xem nhẹ
Gần đây, đơn vị tôi xôn xao về việc một HS lớp 11 đã lập cho mình một website riêng, rồi sau đó tự chính bản thân em cho đăng tải một số thông tin liên quan đến nhà trường, đến các vấn đề đời tư cá nhân thầy cô giáo và một số nữ sinh trong trường gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói là những thông tin này phản ánh không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người liên quan.
Sau khi vụ việc được một phụ huynh tố giác, phanh phui, học sinh này mới thú nhận toàn bộ sự việc do chính em gây ra từ các chức năng của chiếc điện thoại di động với lời giải thích đơn giản “chỉ làm cho vui chứ không nghĩ đến hậu quả!”. Rồi đến chuyện hàng loạt các video clip đánh nhau gần đây của các nữ sinh được tung lên mạng cũng chính từ những chiếc ĐTDĐ và ý nghĩ tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt này đã và đang trở thành tâm điểm chú ý của đông đảo dư luận xã hội và những ai quan tâm. 
Thực tế hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển một cách ồ ạt, hậu thuẫn vào đó là các hãng ĐTDĐ mọc lên như nấm với giá cả hết sức cạnh tranh, không chỉ có con em các đại gia, không chỉ có con em ở thành phố mới có thể sử dụng ĐTDĐ, mà đối với đại đa số con em từ nông thôn đến thành thị cũng rất dễ dàng sắm cho riêng mình một “con dế yêu” và lẽ dĩ nhiên ĐTDĐ đã trở thành một vật dụng bất li thân của nhiều người, trong đó có cả HS (Tất nhiên là cả HS THPT, THCS, thậm chí là HS tiểu học).
Thực tế ở đơn vị chúng tôi, mặc dù hàng năm, cứ trước mỗi năm học đã có nhiều giải pháp, nhiều cách thức, nhiều ý kiến về việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong các giờ học và khi tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường, nhưng xem chừng việc này không mấy đưa lại hiệu quả.
Học sinh dùng điện thoại di động ngày càng phổ biến
Học sinh dùng điện thoại di động ngày càng phổ biến
Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò, tác dụng to lớn của ĐTDĐ đối với đời sống con người, trong đó có HS; nó là phương tiện giúp cha mẹ quản lý con em mình khi con cái đến trường và tham gia các hoạt động xã hội (đối với số  HS có ý thức cao); nhưng thực tế, việc con em phụ huynh sử dụng ĐTDĐ hiện nay (đối với đa số HS thiếu ý thức, chưa nhận thức rõ rang về mục đích sử dụng), nhất là khi đến trường là điều hoàn toàn không nên, bởi theo chúng tôi, việc sử dụng ĐTDĐ của đối tượng này lợi mà bất cập hại.
Đã có không ít lần phụ huynh phàn nàn với chúng tôi (giáo viên chủ nhiệm) về hiện tượng HS (con em mình) sử dụng ĐTDĐ, nên đã nhiều lần lợi dụng để “alô” về nhà xin phép bố mẹ ở lại trường để tham gia học tập, lao động buổi chiều, nhưng thực tế là để đi chơi hội hè, sinh nhật bạn và nghìn lẽ một lí do khác…
Việc lợi dụng các chức năng hỗ trợ của ĐTDĐ để lưu trữ, sử dụng các loại game “độc hại”, các loại phim ảnh “đen” cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của phụ huynh, thầy cô giáo… Đã có lần tôi bắt gặp được tin nhắn trên ĐTDĐ của 2 HS lớp 12 nhắn tin cho nhau mà xưng hô với nhau là “vợ, chồng” như trong …phim.
Đem vấn đề nên hay không việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong trường học trao đổi với nhiều đồng nghiệp, rất nhiều nhà giáo đã bày tỏ quan điểm, thái độ ủng hộ việc cấm, ít nhất cũng là cấm đưa ĐTDĐ đến trường học (giống như cấm đưa tài liệu vào trường thi), dù đưa đến trường sử dụng hay chưa sử dụng đều là vi phạm nội quy, quy chế, bởi nhiều thầy cô giải thích: Các em đến trường là để học tập và rèn luyện, để được hưởng thụ nền giáo dục, để làm người, nên việc các em mang ĐTDĐ đến trường, việc DTDĐ “phủ sóng” trường học chỉ có thể là yếu tố gây “nhiễu”, phiền toái, mất thời gian, mất tập trung, mất tiền của và rồi mất tất cả nếu cứ tiếp tục lạm dụng!
Đâu là giải pháp?
Giải quyết bài toán này, theo chúng tôi trước hết trách nhiệm phải thuộc về phụ huynh. Bởi vì hơn ai hết, cha mẹ là những người thường xuyên dõi theo, bám sát các hoạt động của con em mình, thời gian con em mình ở trường thường cũng chỉ khoảng từ 4 đến 7 tiếng đồng hồ, như vậy thời lượng ở nhà là lớn gấp nhiều lần. Hơn nữa, việc cha mẹ có cho con sử dụng DTDĐ hay không , còn phụ thuộc vào thu nhập của gia đình, nếu không vì lí do chiều con,và lẽ vì thế thì tất nhiên: cha mẹ sẽ là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng có quyền quyết định cho hay không con em mình sử dụng DTDĐ!!!
Thứ hai: Như chúng tôi đã đề cập đầu bài viết, muốn thực hiện tốt việc cấm này (chí ít cũng là cấm đưa ĐTDĐ vào trường học), thì Bộ GD&ĐT phải có những ban hành cụ thể, những hướng dẫn chi tiết làm cơ sở pháp lí cho các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện, bởi một thực tế là hiện nay, “quyền” của phụ huynh HS thì ngày càng nhiều mà Nhà giáo thì không có “gậy” trong tay, thử hỏi làm sao mà “đánh” được???
Thứ ba: Theo chúng tôi, muốn giáo dục ý thức sử dụng hay cấm HS thì bản thân đội ngũ thầy giáo, cô giáo cũng phải làm gương cho các em, thực tế hiện nay, không ít giáo viên vẫn sử dụng ĐTDĐ một cách tùy tiện trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, kể cả khi đang lên lớp…Chính điều này cũng đã tác động không nhỏ đến nhận thức, hành vi của các em.
Thứ tư: Sự tăng cường phối hợp tuyên truyền vận động giữa các cơ quan đoàn thể: Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, Hộ cha mẹ học sinh, công đoàn nhà trường cùng vào cuộc sẽ là chìa khóa cho chúng ta thực hiện tốt nhất để góp phần giáo dục thái độ, đạo đức HS, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các em về tác hại của việc sử dụng ĐTDĐ trong trường học. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét